Ngôn Ngữ Cơ Thể Là Một Nghệ Thuật Trong Giao Tiếp

Giao tiếp là hoạt động thường xuyên diễn ra trong cuộc sống của con người. Khi nhắc đến giao tiếp, người ta thường nghĩ nhiều đến ngôn từ, tuy nhiên, ngôn ngữ bằng lời nói không phải là yếu tố duy nhất. Điều kỳ diệu trong giao tiếp là người ta có thể hiểu ý nhau không chỉ qua lời nói, mà còn qua ngôn ngữ cơ thể.

Khi bạn giao tiếp với người đối diện, ngôn ngữ chỉ chiếm 7%; giọng điệu chiếm 38%, còn quan trọng nhất là ngôn ngữ cơ thể với 55%. Chính vì vậy mà những yếu tố ngôn ngữ hình thể sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của một cuộc trò chuyện, đặc biệt là khi bạn tham gia phỏng vấn xin việc.

Hãy theo dõi tiếp nội dung dưới đây do Sofatienphat.com chia sẻ để bạn có thêm gợi ý về 8 loại ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp mà bạn có thể tận dụng để gây ấn tượng với đối phương nhé.

Ngôn Ngữ Cơ Thể Là Gì?

Ngôn ngữ cơ thể chiếm 55% sự thành công trong giao tiếp, giúp đối phương đoán được suy nghĩ, trạng thái hiện tại của người đang giao tiếp với mình. Khi tuyển dụng nhân sự, nhà tuyển dụng dựa vào cách ứng viên thể hiện ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp để đánh giá sự tự tin, tính trung thực và thái độ của ứng viên.

Trong tình huống cụ thể, mỗi biểu hiện, cử chỉ đều mang một ý nghĩa nhất định và ta gọi đó là một thứ ngôn ngữ không lời (Nonverbal communication) hay Ngôn ngữ cơ thể (Body language). Vậy hiểu một cách chung nhất thì ngôn ngữ cơ thể là tất cả những gì mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài trong quá trình giao tiếp với người khác.

Đó là hệ thống tín hiệu đặc biệt, được tạo thành bởi những thao tác, chuyển động của từng bộ phận cơ thể bao gồm các cử chỉ, sự biểu lộ trên khuôn mặt, sự thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, hành động của bàn tay, giọng điệu, điệu bộ cơ thể,… hoặc của nhiều bộ phận phối hợp và có chức năng giao tiếp hoặc phụ trợ cho ngôn ngữ nói trong quá trình giao tiếp. Có thể nói, ngôn ngữ cơ thể là công cụ hỗ trợ giao tiếp mà ai cũng có bẩm sinh.

8 Loại Ngôn Ngữ Cơ Thể Trong Giao Tiếp Mà Bạn Cần Nắm

Trong xã hội hiện đại và nhất là trong môi trường kinh doanh, rất cần thiết cho mỗi chúng ta trở nên tinh tế hơn, tự nhận thức và tự kiềm chế được ngôn ngữ cơ thể cũng như tập cách quan sát ngôn ngữ này thông qua những hình ảnh xung quanh để hiểu rõ đối tác mà ta đang giao tiếp.

Một cái bắt tay

Bắt tay là một thủ tục xã giao không thể thiếu dành cho những người lần đầu tiên gặp mặt, nhất là trong thế giới chuyên nghiệp. Đó là ngôn ngữ cơ thể đại diện cho sự khéo léo và chân thành khi chào hỏi người đối diện.

Bắt tay cũng đòi hỏi ở bạn một sự tinh tế nhất định vì lực thể hiện từ bàn tay cũng nói lên rất nhiều điều. Bạn không nên bắt tay quá lỏng lẻo vì điều này sẽ mang lại cảm giác thiếu tự tin. Trong khi đó, nếu nắm chặt tay sẽ khiến người đối diện cảm thấy không thoải mái, đôi khi còn mang lại cảm giác thiếu lịch sự.

Hãy dùng một lực vừa đủ để bắt tay đối phương trong khoảng từ 3 – 5 giây, kết hợp với đó là ánh mắt nhìn thẳng người đối diện. Bạn cũng nên giữ một khoảng cách vừa đủ và hơi nghiêng người về phía trước.

Giao tiếp bằng ánh mắt

Đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn”, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. “Ngôn ngữ của đôi mắt” giúp điều chỉnh buổi giao tiếp. Nó là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của mình đối với người khác và làm gia tăng uy tín của người nói cũng như hiểu được cảm xúc của người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp.

Loại ngôn ngữ cơ thể này rất quan trọng vì bạn có thể biểu hiện được gần như mọi loại cảm xúc thông qua đôi mắt. Khi kết hợp cùng với lời nói, giao tiếp ánh mắt với người nghe sẽ giúp những gì bạn truyền tải trở nên thuyết phục và thú vị hơn.

  • Nếu bạn nhìn xuống đất, bạn đang nói với người đối diện rằng tôi ngại ngùng, hồi hộp và thậm chí không đáng tin cậy.
  • Mắt nhìn về một hướng, mi mắt và tròng mắt hơi cụp xuống là biểu hiện một nỗi buồn.
  • Còn tròng mắt mở to, hai con mắt nhìn rất mạnh vào người khác là biểu hiện sự tức giận.
  • Người nào không hiểu những gì bạn đang nói thì thường hay nheo mắt kèm theo dướn đầu ra nghe hay ghé tai ra phía trước biểu thị muốn nghe rõ hơn.
  • Việc tránh giao tiếp qua mắt thường là biểu hiện điển hình ở những người làm điều gì sai trái và cảm thấy mặc cảm, tội lỗi. Nhìn thẳng vào mắt ai đó chỉ ra rằng bạn đang dành sự chú ý cho người đó.

Những lỗi cần tránh khi giao tiếp bằng mắt:

  • Ấn tượng xấu từ cái nhìn đầu tiên
  • Không nhìn vào mắt nhau khi nói chuyện
  • Tránh nhìn chằm chằm vào mắt quá lâu khi nói chuyện
  • Không phản hồi tín hiệu
  • Chăm chú vào điện thoại
  • Nhìn vào khuyết điểm của người khác
  • Nhìn người khác đang dùng bữa

Giao tiếp bằng nụ cười

Giá một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại tỏa sáng nhiều hơn hàng trăm bóng đèn điện. Không ai nghèo đến nỗi không thể nở một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác.

Một nụ cười – vốn liếng tuy nhỏ bé nhưng lại sinh ra lợi lộc nhiều, nó làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm kẻ trao tặng nó phải nghèo đi. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ. Không ai đủ giàu mà bỏ qua không nhận lấy một nụ cười. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang.

Luôn giữ thẳng lưng

Cho dù bạn đang ngồi hoặc đứng, hãy luôn giữ tư thế thẳng lưng. Tư thế này tạo nên phong thái tự tin và bản lĩnh cho chính bản thân bạn. Hãy ngồi thoải mái, giữ thẳng lưng ở bất kỳ tình huống nào.

Nếu hơi mỏi hoặc căng thẳng, bạn có thể nhẹ nhàng đổi tư thế ngồi. Tư thế ngồi đúng nhất chính là giữ dáng vẻ lịch sự; thích hợp với trang phục. Nếu đứng lên, bạn nên ngẩng cao đầu; để khoảng cách hai bàn chân rộng ngang hai vai, kết hợp với vẻ mặt tự tin.

Cách giữ tư thế của gương mặt và cằm

Tư thế của gương mặt và cằm cũng là một ngôn ngữ hình thể giúp nói lên nhiều điều về con người và cảm xúc của bạn. Gương mặt và cằm không nên ngẩng cao quá vì sẽ dễ khiến người đối diện cảm thấy bạn là người kiêu căng và ngạo mạn.

Thế nhưng nếu cúi xuống thấp sẽ khiến bạn trông thiếu tự tin. Vì vậy, việc giữ một tư thế vừa đủ và tự nhiên cho gương mặt và cằm là rất quan trọng.

Ngoài ra, biểu cảm trên khuôn mặt luôn là trọng tâm trong mọi cuộc trò chuyện. Việc chúng ta vô tình đảo mắt, nhăn nhó, nhíu mày liên tục, v..v sẽ để lại ấn tượng không đẹp.

Hãy luôn duy trì thần sắc tỉnh táo, tự nhiên với nụ cười tươi trên gương mặt.

Không dùng tay chạm lên mặt 

Theo các chuyên gia tâm lý, việc liên tục sờ, chạm vào mặt quá nhiều lần, đặc biệt là mũi, thường được xem là một dấu hiệu của sự không thành thật. Mặt khác, nếu đưa tay lên mặt, tai, cổ hoặc vuốt tóc quá thường xuyên còn chứng tỏ bạn đang bồn chồn và không thoải mái.

Nhà tuyển dụng thường rất tinh ý khi quan sát những dấu hiệu này. Vậy nên nếu không chú ý để kiểm soát những ngôn ngữ hình thể này, bạn có thể đã vô hình chung đẩy mình vào tình thế bất lợi.

Vì thế, khi trò chuyện, bạn nên giữ tay cách xa khỏi khuôn mặt, nhìn thẳng vào mắt người đối diện và tự tin trả lời câu hỏi.

Ngôn ngữ cơ thể đại diện cho phản hồi tích cực

Khi bạn đang lắng nghe người đối diện trình bày một vấn đề nào đó, cách phản hồi tích cực nhất là gật đầu tán thành và mỉm cười.

Bạn có thể gật đầu, mỉm cười và đệm một số từ như “vâng”, “đúng rồi”, v.v để giúp người đối diện thấy rằng bạn đang lắng nghe và khuyến khích họ duy trì cuộc trò chuyện. Tất nhiên, những cử chỉ này cần diễn ra đúng lúc và đúng thời điểm.

Để thực hiện ngôn ngữ cơ thể này, cách duy nhất là tập trung lắng nghe, nắm bắt được những điểm chính và từ đó, đưa ra những phản hồi chính xác. 

Kỹ năng đưa phản hồi tích cực còn góp phần thể hiện sự hiểu biết và khả năng chuyên môn của bạn. Khi bạn đưa ra một phản hồi chính xác, người đối diện sẽ biết là bạn đang lắng nghe và hiểu những gì họ truyền đạt.

Nghiêng người về phía người nói

Ngôn ngữ cơ thể này thể hiện bạn đang chăm chú lắng nghe câu chuyện. Hãy theo dõi vị trí đầu của người đối diện và hơi nghiêng về phía họ một chút để thể hiện sự đồng cảm và quan tâm của bạn với câu chuyện người đó đang kể. 

Thông thường, nếu quan tâm tới một điều gì đó, chúng ta có xu hướng nghiêng người về phía trước, hướng lại gần hơn với người đang thảo luận về điều đó. 

Chính vì vậy, hành động hướng người về phía người đang nói chứng tỏ bạn rất quan tâm và hứng khởi với câu chuyện mà họ đang trình bày.

Khoảnh cách giao tiếp

Khoảng cách giữa hai người giao tiếp nói lên mức độ quan hệ giữa họ. Người thân trong gia đình đứng gần sát nhau. Bạn bè thân thiết có thể ngồi gần nhau, còn đối với người lạ hay mới quen thì ta thường giữ một khoảng cách nhất định.

Việc bố trí không gian giao tiếp cũng là một vấn đề được giới nghiên cứu để ý. Muốn tạo một không khí dân chủ, thoải mái người người ta thường bố trí ngồi theo bàn tròn để không ai có vị trí trung tâm.

Sử dụng không gian là một hình thức truyền tin. Về cơ bản chúng ta thường xích lại gần những người mà chúng ta thích và tin, nhưng lại tránh xa những người chúng ta sợ hoặc không tin. Nhà nhân loại học Hall đã chứng minh rằng có bốn vùng xung quanh mỗi cá nhân:

  • Vùng mật thiết (0-0,5m) vùng này chỉ dành cho những người cực kỳ thân thiết như cha, mẹ, vợ, chồng, con, người yêu, bạn bè rất thân.
  • Vùng cá nhân (0,5m-1,2/1,5m) dùng cho người phải rất quen đến mức thấy thoải mái.
  • Vùng xã hội (1,2/1,5m-3,5m) dùng cho người chưa quen biết nhiều, người lạ mới gặp lần đầu.
  • Vùng công cộng (3,5m+) gặp chung với nhiều người. Các cá nhân đứng ở vùng này không còn là những người phải gặp riêng nữa.

Khoảng cách nêu trên không phải là cứng nhắc mà sẽ thay đổi tuỳ theo dân tộc, theo vùng và theo từng cá nhân. Người ta cũng đã nhận thấy người dân ở vùng nông thôn không gian rộng lớn và thưa người có khuynh hướng giãn khoảng cách ra xa hơn còn người dân ở các thành phố lớn chật chội và đông đúc có khoảng không giao tiếp hẹp hơn.

Đi kèm với không gian giao tiếp các cá nhân có khuynh hướng xác định lãnh thổ của riêng mình bằng cách dựng nên các bức vách nhỏ có thể bằng cây cảnh, tủ đựng hồ sơ, hoặc các dấu ấn để đánh dấu lãnh thổ bằng các đồ vật.

Một Số Điều Cần Tránh Khi Sử Dụng Ngôn Ngữ Cơ Thể Để Tránh Gây Hiểu Lầm

Trong quá trình giao tiếp, chúng ta thường có xu hướng không tự nhận thức được những hành vi đó, nhưng người đối diện lại rất để ý và đánh giá ý nghĩa của những hành vi dù là nhỏ nhất. Hơn nữa, ngôn ngữ cơ thể lại không rõ ràng và chính xác được như việc sử dụng lời nói, bởi mỗi người sẽ đều có cách lí giải hành vi cơ thể theo những cách khác nhau. Chính vì thế, để tránh một số hiểu lầm không đáng có trong quá trình giao tiếp, bạn nên tránh sử dụng một số hành vi, cử chỉ dưới đây:

  • Những hành vi thể hiện sự không hứng thú đối với cuộc trò chuyện nên được hạn chế, nếu có thể thì không nên có những hành vì này trong quá trình giao tiếp: ngắm móng tay, ngáp vặt, xem đồng hồ, nhìn đi chỗ khác,…
  • Bạn sẽ bị đánh giá là người có trình độ văn hóa thấp nếu như gãi đầu, gãi cổ, ngoáy mũi, xỉa răng,… khi nói chuyện.
  • Nếu mối quan hệ giữa bạn và người đối diện không quá thân mật mà trong quá trình giao tiếp bạn đứng hoặc ngồi quá sát sẽ khiến họ cảm thấy rất bất tiện và không được thoải mái. Họ sẽ cho rằng bạn đang lấn át họ.
  • Khoanh tay trước ngực khi giao tiếp sẽ được người đối diện hiểu là bạn đang trong tư thế tự vệ hoặc cảm thấy không đồng tình với những gì mà họ đang nói.
  • Khi nói chuyện, nếu bạn đung đưa chân hoặc di chuyển cơ thể quá nhiều sẽ khiến đối phương nghĩ rằng bạn đang vội về một chuyện khác và bạn rất muốn kết thúc câu chuyện càng nhanh càng tốt. Điều này được cho là khá mất lịch sự, cho nên, khi giao tiếp, bạn nên hạn chế di chuyển cơ thể.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm vững tầm quan trọng của ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp. Hãy luôn chú ý để tâm đến những hành động nhỏ này dù trong bất kỳ tình huống nào.

Bởi mỗi một ngôn ngữ hình thể sẽ đều mang một ý nghĩa nhất định và có tác động không nhỏ đến sự thành công trong giao tiếp của bạn.

0902 566 119

 

callphơnetelephonemeszaloviberwhatsapp